Được tạo bởi Blogger.

Trần Tâm Tâm: "Tôi yêu áo dài, từ giấc mơ nhảy múa"

TIN SAO VIỆT - Nếu nhắc đến những cái tên "hot" nhất hiện nay trên "thị trường" thiết kế thời trang, chắc chắn cái tên Trần Tâm Tâm sẽ được nhắc đến đầu tiên và nhiều lần nhất mà giới trẻ, văn nghệ sĩ cũng như những ai yêu áo dài cũng đều biết.

Trần Tâm Tâm: "Tôi yêu áo dài, từ giấc mơ nhảy múa".

Vậy anh là ai? Đứng giữa thị trường sôi động về thời trang như Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng anh được nhiều người biết đến vì cái gì?

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng anh tại "ngôi nhà" có nhiều đèn lồng, sáng rực tại khu trung tâm áo dài Quận 3, nơi anh gởi nhiều ý tưởng và giấc mơ thiết kế được trưng bày, cũng như nơi lui tới của giới showbiz khi họ cần nổi bật và ấn tượng hơn, tại số 194D Pasteur, Quận 3, Tp.HCM - cung đường về thời trang áo dài vang danh tại Sài Gòn mà ai cũng biết.


Hẹn được anh vào một chiều cuối năm là một điều rất khó, vì anh đang gấp rút giải quyết rất nhiều việc, những show chụp ảnh, những event dày đặc... Tiếp chúng tôi giữa một không gian bạt ngàn áo dài, câu chuyện cứ gián đoạn vì những cuộc điện thoại, nhưng rồi, chúng tôi cũng được anh trải lòng, những chia sẻ rất bình dân, chân tình và rất gần gũi nếu như không muốn nói là khiêm tốn... và có chút khôi hài.

Tôi yêu thiết kế từ những tháng năm nhảy múa


Thật khó hình dung khi ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, trên cương vị một nhà thiết kế nhưng không ai nghĩ rằng anh đã từng là một vũ công chuyên nghiệp mà khá nhiều vũ đoàn tại Sài Gòn biết đến, đã từng học chính quy tại trường múa, và là cử nhân tài chính trước khi nhiều ngã rẽ đưa anh đến với thiết kế thời trang như hiện nay.


Như bao sinh viên chân ướt, chân ráo tại Sài Gòn, anh kể rằng, mình cũng như bao sinh viên "nhà quê" khác, đi làm rất nhiều nghề, từ phục vụ nhà hàng, chuyên viên thiết kế hoa tươi, chuyên viên marketing về rượu, mỹ phẩm và cán bộ nhà nước. Ngoài giờ theo học 4 năm cử nhân tài chính và sau đó là 2 năm theo khóa 2K9 Trường múa Tp.HCM.

Anh cũng khá quen thuộc với rất nhiều vũ đoàn lớn tại Sài Gòn, cái duyên đưa anh đến với thời trang bắt nguồn từ những ngày được đi show trên sân khấu, tự tạo trang phục cho mình, cho vũ đoàn và những đơn đặt hàng cứ lớn dần theo thời gian từ những người biết đến anh là một nhà làm trang phục cho các vũ công. Anh dần được biết đến trong các vũ đoàn, các công ty sự kiện và các bầu show, đạo diễn... Anh bước qua lĩnh vực áo dài trình diễn như một điều hiển nhiên, gặt hái, niềm tin, kỳ vọng tuyệt đối vào các hợp đồng, dần khẳng định mình là một trong những nhà thiết kế hàng đầu tại Sài Gòn, trong các sự kiện liên quan đến thời trang.


"Tôi thấy mình cần xóa bỏ định kiến khi họ coi tôi là dân ngoại đạo, không biết về thiết kế", anh chia sẻ cùng chúng tôi với tâm trạng một chút suy tư. Anh nói rằng, anh phải bỏ ra gần 1 năm để vừa hoạt động kinh doanh, vừa phải theo học tại một học viện thời trang vào mỗi tối, miễn sao người ta gọi mình là "Nhà thiết kế" mà không thấy hổ thẹn!

Ban đầu có nhiều cơ quan đơn vị mời anh làm Ban giám khảo, nhưng anh thấy mình chưa đủ nhiều kiến thức để đánh giá và anh xin từ chối. Anh thiết kế theo niềm yêu thích, năng khiếu và vốn kiến thức "tay ngang" mà mình có, nhưng được đánh giá cao. Và anh muốn mình thật sự phải có chuyên môn, kèm theo cái năng khiếu trời ban để vừa là một nhà hoạt động kinh doanh, vừa là một nhà thiết kế có tâm, có tầm và cả chuyên môn chính quy về thiết kế.

Nghề của tôi đã được dự báo từ thời còn học trường làng


Anh cho chúng tôi xem vài trang lưu bút mà tụi bạn hồi xưa đã chúc anh những ngày thi cuối cấp. Dòng chúc có nội dung đại loại như: "Chúc nhà thiết kế tương lai được thành công"...


Anh kể rằng, ngay những năm học phổ thông, văn nghệ trong trường, khi có anh tham gia đều đoạt giải cao nhất, ghi dấu ấn và lưu lại mỗi khi nhắc đến khoá học của anh. Từ những cuộc thi trường làng, nhưng Trần Tâm Tâm cũng cho mọi người thấy năng khiếu thiết kế, múa hát đặt biệt của mình.

Và qua rất nhiều công việc anh đã làm, nhưng "Thiết kế" lại đến với anh như một lựa chọn tất yếu và cuối cùng dính chặt với cuộc đời anh nhất.

"Nhà thiết kế giỏi - Kinh doanh tốt" rất khó để dung hòa là một


Khá nhiều bạn trẻ yêu thích thời trang, mong muốn mình gặt hái thành công và thành đạt từ cái niềm yêu thích của mình. Theo cá nhân anh thì rất khó khăn, và phải chọn lựa suy nghĩ thật kỹ nếu như muốn chen chân vào thị trường thời trang đầy cạnh tranh.


Vì một nhà thiết kế yêu công việc, có tâm với nghề lại đặt cái đẹp lên hàng đầu để làm sản phẩm, nhưng là nhà kinh doanh áo dài, họ lại đặt cái lợi nhuận lên sản phẩm được bán ra.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, với những thành công đáng ghi nhận, anh chỉ dám nói mình là NTK có tâm vì những thành quả của anh, khi anh là người đầu tiên làm ra chiếc khăn đóng bằng điện trong cuộc thi Sinh viên Tài năng Thanh lịch DTU 2016, tạo nên hiệu ứng rất tốt tại Thành phố Đà Nẵng, và làm BGK và Nhà tài trợ các cuộc thi Duyên dáng Cần Giờ, Miss DOF, Duyên dáng Tết Sinh viên... và các cuộc thi mang tính chất phi lợi nhuận trong nước.

Tôi may mắn khi thừa hưởng và được chỗ dựa tinh thần từ gia đình và bạn bè


Mọi người thường nhìn tôi với cặp mắt thán phục vì kinh doanh tốt, những thiết kế đẹp và khá thành công so với độ tuổi của mình.


Nhưng theo tôi nghĩ, mình đang đam mê một cách quá đáng. Và thành công đôi khi chỉ là bề nổi. Vì để có được giờ phút này, tôi phải thay đổi và đánh đổi nhiều thứ, là những đêm thức trắng vì kế hoạch kinh doanh, vì những mẫu mã bế tắc về chất liệu, vì những thị phi trong ngành nghề, và cạnh tranh đầy khốc liệt và thủ đoạn...

Nhưng tôi may mắn được động viên giúp sức từ Mẹ tôi, gia đình ủng hộ tôi một cách tuyệt đối và không thể thiếu từ anh em, bạn hữu luôn cạnh bên, trung thành và chắp cánh cho tôi có được sự thành công, phát triển mà mọi người đang thấy.

Nếu ước mơ, tôi sẽ mong sản phẩm mình làm ra được coi trọng hơn


Ưu thế của tôi là người thiết kế trang phục của sân khấu, từ những chiếc áo đến phụ kiện đi kèm đều làm khép kín tại xưởng, nên dường như mỗi bộ trang phục đều có sự đồng nhất, độc lạ riêng.


Tuy nhiên vẫn có nhiều khách hàng lầm tưởng giá trị nó rẻ và coi thường đến tội nghiệp. Vì họ đâu biết rằng, tất cả đều phải suy nghĩ để tạo ra, là sản phẩm trí tuệ và ý tưởng. Nó chỉ giá trị, khi người mặc nó là ai.

Nên nếu được ước một điều, tôi mong sản phẩm mình được trân trọng để có nhiều đông lực hơn trong sáng tác!

Ivan Nguyen | Tin Sao Việt
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn