Được tạo bởi Blogger.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh: "Nỗi buồn và sự cô đơn là nguồn sống đối với văn chương"

TIN SAO VIỆT - Phạm Thị Ngọc Thanh, nữ nhân của những tập thơ tình và cuốn tiểu thuyết “Ba Bước Tới Mặt Trời”, được nhiều độc giả trẻ yêu mến ngay từ khi chị còn để bút danh “Thiên Thần Áo Trắng”.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh: "Nỗi buồn và sự cô đơn là nguồn sống đối với văn chương".

Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những chia sẻ của chị người con gái Tây Bắc về con đường đến với nghề làm sách và cả góc nhìn về phụ nữ hiện đại.

Sách là đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn


- Là một phụ nữ thành công từ sự nghiệp văn chương, chị có thể chia sẻ tại sao chị lại chọn con đường thơ ca để phát triển sự nghiệp?. 

Ngọc Thanh làm thơ từ năm lớp 3 và có được giải chuyên mục “nắng sân trường” của Báo Yên Bái. Từ nhỏ đã thích học văn, thích đọc sách, thơ, truyện, tiểu thuyết, lúc đỗ đại học thì đỗ cả hai trường Sư Phạm Văn và Công nghệ thông tin nhưng mẹ hướng cho chị đi học Tin. Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của chị vẫn là văn chương, chị cũng không nghĩ nó là phát triển sự nghiệp mà chỉ nghĩ mình thích thì mình làm. Đối với chị thì nghề tìm đến chị như một cái duyên, còn duyên còn gắn bó.

- Được biết chị mở công ty sách SunFlower, vậy ngoài công ty sách chị còn làm việc hay công tác ở cơ quan đơn vị nào không?

Ngoài mở công ty Sunflower Book Ngọc Thanh còn dạy học. Thanh dạy thỉnh giảng môn tin học tại một số trường Cao Đẳng, Đại học ở Hà Nội.


- Không biết cơ duyên nào khiến chị quyết định mở công ty sách và phát triển mà không phải một công ty công nghệ như chị đã từng theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin?

Mở công ty sách là vì Ngọc Thanh muốn giúp các tác giả có một hướng đi mới của riêng mình, giống như Thanh đã từng đi. Với cách làm của chị thì chỉ cần có thực lực và tiếp cận độc giả đúng cách sẽ thành công. Mới đầu chỉ là nhận in ấn xuất bản cho một vài anh chị bạn thơ, về sau cứ người nọ giới thiệu người kia rồi phất triển như ngày hôm nay. Chỉ mới hai năm nhưng công ty chị đã in ấn hàng trăm đầu sách Văn học cho các tác giả khắp mọi miền. 

- Những bước đi thành công như ngày hôm nay hẳn là có nhiều khó khăn, chị kể về những kỷ niệm mà chị nhớ nhất được không?

Những ngày đầu với Thanh quả là khó khăn. Là một đơn vị sách mới trên thị trường sách nên cũng chịu nhiều áp lực. Bởi vậy Ngọc Thanh không ngừng đổi mới chất lượng in ấn và phát triển mạnh truyền thông quảng bá cho sách. Do chưa từng học về in ấn xuất bản nên chị phải tự tìm hiểu, tự học. Cũng không ít lần in ấn sách bị lỗi phải in lại, nhưng mỗi lần như vậy lại có thêm kinh nghiệm, các cuốn sách ngày càng đẹp hơn và hợp với thị hiếu hơn. 


- Điều gì khiến chị muốn gắn bó với nghề này?

Điều mà Ngọc Thanh cảm thấy muốn gắn bó với nghề này chính là tính nhân văn của nó. Sách là sản phẩm đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn, người yêu sách hiếm có ai làm điều xấu. Khi thành lập công ty thì Ngọc Thanh cũng muốn tạo một sân chơi cho những tác giả khắp mọi miền, kết nối lại vào chung một mái nhà Sunflower Book. Ở đó mỗi người là một thành viên góp phần vào sự phát triển chung. 

Phụ nữ hiện đại phải độc lập tự chủ trong cuộc sống 


- Hiện tại, công ty của chị đang có bao nhiêu nhân sự và chị có định hướng gì cho công ty của mình cũng như bản thân mình trong năm 2017 không?

Sunflower của Ngọc Thanh phát triển theo mô hình nước ngoài, không cần một bộ máy cồng kềnh nhiều nhân sự, ngoài các nhân viên ở xuỏng sản xuất thì khối văn phòng của chị chỉ có 10 nhân viên, còn lại đều cộng tác từ xa, lương theo sản phẩm. Chị không quản lý nhân viên theo giờ hành chính mà cho họ tự do, miễn nộp sản phẩm đúng thời hạn và đạt chuẩn chất lượng. Đối với Ngọc Thanh, tất cả nhân viên như người trong một gia đình. Quan điểm của chị là phát triển vì lợi ích chung của tất cả mọi người. Bởi vậy dù công việc nhiều hay ít nhân viên vẫn muốn gắn bó với Sun. 

- Vậy còn quan điểm của chị về một người phụ nữ hiện đại thì sao?

Với Ngọc Thanh, phụ nữ hiện đại là người phụ nữ luôn độc lập tự chủ trong cuộc sống không lệ thuộc vào ai. Linh hoạt trong công việc, biết chăm sóc bản thân và đặc biệt cần có lòng nhân ái với những mảnh đời khó khăn bất hạnh. 


- Có ý kiến cho rằng "phụ nữ văn chương sẽ vận cái không hay, lận đận tình duyên", theo chị ý kiến này có đúng không?

Phụ nữ sinh ra vốn đã khổ và thiệt thòi hơn đàn ông rất nhiều. Phụ nữ văn chương thì nhạy cảm hơn những lĩnh vực khác, mà ngừoi nhạy cảm thì dễ buồn hơn. Người làm nghệ thuật bao giờ cũng có những đòi hỏi về mọi mặt cao hơn những người khác, ngay cả trong tình cảm. Bởi vậy, họ có thể gặp những nỗi buồn trong cuộc sống tình cảm, nhưng nỗi buồn và sự cô đơn đối với văn chương lại là nguồn sống. 

- Có khi nào chị muốn bỏ lại tất cả đam mê và công việc để đi đâu đó thật xa chưa?

Có chứ. Một vài khoảnh khắc mỏi mệt và stress trong công việc, Ngọc Thanh cũng muốn đi đến một nơi thật xa và bỏ lại sau lưng tất cả nhưng chỉ là suy nghĩ đi du lịch thôi, một vài ngày hoặc lâu hơn một chút cho ổn định tâm lý rồi lại quay về làm việc. Vì với Ngọc Thanh, không làm việc coi như đã chết. 

- Cảm ơn nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Ngọc Thanh đã có những chia sẻ với độc giả. Chúc chị luôn thành công trên con đường sự nghiệp.

Hàn Vi | Tin Sao Việt
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn